Công ty bao bì giấy carton Đại Tấn Lợi

Bộ Công thương muốn cổ phần hóa 2 nhà máy bô xít

Quan điểm trên được lãnh đạo Bộ Công thương đưa ra tại cuộc họp chiều 7/4. Hiện bộ này đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan nghiên cứu mô hình tài chính để sớm cổ phần hóa 2 nhà máy này.

Trước câu hỏi của báo giới về "đề xuất thuế, phí của Bộ Công thương gần đây đối với hai dự án nhà máy bô xít Nhân Cơ, Tân Rai sẽ "cứu" doanh nghiệp bớt lỗ, và có lãi", lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) khẳng định, hoàn toàn không phải vậy.

Sau 5-7 năm nữa sẽ cổ phần hóa 2 dự án bô xít

Theo ông Bùi Quang Chuyện, Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương, khai thác và chế biến bô xít là đầu tư hoàn toàn mới ở Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo và hiện Việt Nam đang làm thí điểm 2 dự án Tân Rai, Nhân Cơ. Trên cơ sở đó Chính phủ giao Bộ Công thương rà soát xem xét lại cơ chế chính sách pháp luật đề xuất bổ sung cho hợp lý.

Cụ thể, Bộ Công thương đề xuất mức thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xuất khẩu alumin là 0%. 

Giải thích nguyên nhân, ông Chuyện cho hay, để sản xuất ra một tấn alumin thì phải sử dụng từ 5-6 tấn bô xít, nên việc sản xuất từ bô xít sang quặng alumin là cả một quá trình. Theo quy định tại Luật thuế VAT 2013 thì sản phẩm xuất khẩu nếu là tài nguyên khoáng sản được chế biến thành sản phẩm khác thì thuế suất áp dụng sẽ là 0%.

“Alumin là khoáng sản đã được chế biến nên Bộ Công thương đề xuất mức thuế xuất khẩu với alumin là 0% hoàn toàn hợp lý, đúng luật” – Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng nói.

Riêng đối với đề xuất phí, hiện phí môi trường áp dụng với bô xít đang là 30.000 – 50.000 đồng/m3, tương đương với giá thành khai thác bô xít, nên không phù hợp với thực tế sản xuất của doanh nghiệp.

Thông thường các loại khoáng sản có mức phí môi trường từ 5-10%, vì thế Bộ Công thương đề nghị áp dụng mức phí môi trường với sản phẩm này là 10% so với giá thành khai thác.

Đối với đề xuất bồi thường, giải phóng mặt bằng trong khai thác mỏ, do diện tích khai thác Nhân Cơ, Tân Rai lớn, khoảng 150 -160ha, trong khi thời gian khai thác rất nhanh và thời gian hoàn thổ từ 3-5 năm.

«Thực tế chỉ sau 3-5 năm là người dân có thể sử dụng khai thác đất dự án. Vì thế, bộ đề xuất giải pháp không chi trả tiền giải phóng mặt bằng theo hiện hành, mà để nhà đầu tư thỏa thuận người dân chỉ đền bù tài sản hoa màu có trên đất và thuê lại đất của người dân. Đề xuất này hoàn toàn phù hợp thực tế» – ông Chuyện giải thích.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh : « Hoàn toàn không có chuyện Bộ Công thương không phải xin ưu đãi để giảm lỗ cho dự án, mà là điều chỉnh những điều chưa hợp lý theo đúng pháp luật và đề xuất thêm chính sách cho đúng thực tế ».

Thứ trưởng Hải cũng cho biết, hiện Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu mô hình tài chính để tiến tới cổ phần hóa (CPH) 2 nhà máy bô xít này.

Trước lo ngại, 2 nhà máy trên hiện đang lỗ thì sẽ bán cho ai, và ai sẽ mua dự án lỗ, Thứ trưởng Hải trấn an: thực tế ngay khi xây dựng dự án đã xác định nhà máy Tân Rai sẽ lỗ trong 5 năm và sau 12 năm sẽ hoàn vốn, còn Nhân Cơ lỗ trong 7 năm và hoàn vốn sau 13 năm. Như vậy, tuổi thọ của dự án khoảng 30 năm nhưng thời gian khai thác có thể lên tới 50 năm.

“Nếu nhìn hiện tại thì có thể thấy trước mắt 2 nhà máy này đang lỗ, nhưng sau 5-7 năm nữa khi hết lỗ thì hoàn toàn có thể CPH được. Quan trọng nhất với nhà đầu tư là tính khả thi của dự án ra sao” – ông Hải nói.

Song đề cập cụ thể về thời gian cụ thể sẽ CPH, ông Hải lại nêu quan điểm, “chưa thể khẳng định khi nào CPH mà phải theo điều kiện thực tế của dự án. Nhưng theo kế hoạch thì sau 5-7 năm hết lỗ có thể CPH”.

Người phát ngôn Bộ Công thương cũng phủ nhận ý kiến cho rằng, bộ đang “cưng chiều” doanh nghiệp, khi đưa lên đề xuất theo hướng có lợi, tạo điều kiện để doanh nghiệp giảm lỗ, tăng lãi cho 2 dự án bô xít nêu trên.

 “Bộ hiện chỉ làm theo đúng quy trình pháp luật hiện có, không ưu đãi doanh nghiệp nào” – ông nói.

Thể Loại: Tin Tức