Công ty bao bì giấy carton Đại Tấn Lợi

Chi phí bảo vệ môi trường đè công ty giấy

(Doanh nghiệp) – Tiêu chuẩn đưa ra rất nghiêm và phạt thẳng tay, nhưng tưởng chặt hóa ra lại lỏng lẻo vì hiện có hơn 90% doanh nghiệp giấy không có hệ thống xử lý nước thải hay chỉ làm để đối phó mà thôi”, anh Nguyễn Trọng Anh, Trưởng Bộ phận Môi trường của Nhà máy Mỹ Xuân thuộc Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn nói.

Nhà máy giấy Mỹ Xuân II của Giấy Sài Gòn sở hữu hệ thống xử lý nước thải hiện đại trị giá hơn100 tỉ đồng. Ảnh: Trường Nikon
Nhà máy giấy Mỹ Xuân II của Giấy Sài Gòn sở hữu hệ thống xử lý nước thải hiện đại trị giá hơn100 tỉ đồng. Ảnh: Trường Nikon

Trong vai trò hướng dẫn tham quan hệ thống xử lý nước thải trị giá hơn 100 tỉ đồng của Nhà máy Giấy Mỹ Xuân II tại Bà Rịa – Vũng Tàu, anh Trọng Anh nhắc lại câu chuyện cách đây không lâu Giấy Sài Gòn bị phạt 120 triệu đồng chỉ vì một nhân viên đã sơ ý để sót can đựng hóa chất vào trong túi rác phế liệu.

Tháng 4.2011, Giấy Sài Gòn chính thức đưa vào vận hành Nhà máy Giấy Mỹ Xuân II có vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng gồm 3 dây chuyền sản xuất giấy tráng phấn, giấy tiêu dùng và bao bì carton, thuộc hàng lớn nhất nước. Với quy mô như vậy, hệ thống xử lý nước thải là một trong các hạng mục quan trọng đã được triển khai sớm nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường ở mức cao nhất có thể.

Mặc dù sở hữu hệ thống xử lý nước thải được đầu tư bài bản, nhưng trong 3 năm qua, Giấy Sài Gòn vẫn phải gánh thêm nhiều chi phí do những yêu cầu khá oái ăm về môi trường, thậm chí với một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả chuẩn của châu Âu.

Một ví dụ tiêu biểu là chuẩn COD trong nước thải. COD là một tiêu chuẩn để xác định khối lượng của các chất ô nhiễm hữu cơ trong nước; nước có chỉ số COD càng thấp thì càng sạch. Theo anh Trọng Anh cho biết, lượng COD trong nước nước thải của Nhà máy Mỹ Xuân II chỉ được phép chứa tối đa 200 mg/lít, khắt khe hơn 1,5 lần so với chuẩn ở Hà Lan là 325 mg/lít.

Để đạt được những yêu cầu này, chi phí xử lý nước thải của Nhà máy Mỹ Xuân II là khoảng 8.614 đồng/m3. Với lượng nước thải trung bình mỗi ngày cần xử lý khoảng 6.000 m3, tính ra mỗi tháng nhà máy mất gần 1,6 tỉ đồng.

Xử lý bùn vi sinh thải ra từ hệ thống xử lý nước thải của nhà máy cũng là một vấn đề nữa, lấy đi của nhà máy khoảng 225 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, bản chất của bùn vi sinh với thành phần chủ yếu là vi sinh vật, rất phù hợp để làm phân bón cho cây. Thời gian qua, Giấy Sài Gòn đã kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tái sử dụng bùn vi sinh để giảm chi phí, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ông Cao Tiến Vị, Tổng Giám đốc Giấy Sài Gòn cho rằng, Việt Nam cũng gần bắt kịp quan điểm xanh, sạch của thế giới, nhưng đấy chỉ là chủ trương về mặt lý thuyết mà thôi. “Thực tế, cách triển khai đã làm nảy sinh rất nhiều vấn đề”, ông nói.

Mặc dù pháp lệnh về xử lý môi trường đã được ban hành từ năm 2002 và từ trung ương đến địa phương đều có bộ máy giám sát gồm Bộ Tài nguyên Môi trường, các Sở Tài nguyên Môi trường, Cảnh sát Môi trường… nhưng hiện tình trạng ô nhiễm vẫn nhan nhản.

Có thể lấy ngành giấy làm ví dụ. Hiện chỉ có khoảng 5 doanh nghiệp giấy lớn nhất nước, trong đó có giấy Sài Gòn là có đầu tư hệ thống xử lý nước thải bài bản, đạt chuẩn quốc tế. Số vốn đầu tư này tương đương với yêu cầu về chi phí sản xuất sạch hiện chiếm tới 10% tổng chi phí sản xuất. Trong khi đó, hơn 90% doanh nghiệp còn lại chỉ xử lý nước thải theo kiểu đối phó và chọn cách “đi đêm” với cán bộ môi trường để không tốn thêm khoản chi phí này. Như vậy, doanh nghiệp đầu tư đàng hoàng sẽ khó cạnh tranh nổi về chi phí và giá bán so với phần còn lại.

Mục tiêu xanh sạch của Việt Nam có vẻ cũng rơi vào lẩn quẩn khi chuẩn đặt ra quá cao, doanh nghiệp không đáp ứng nổi phải tìm cách lách, hệ quả cuối cùng là môi trường “lãnh đủ”. Một ví dụ điển hình về bất cập trong chính sách và cách xử lý ô nhiễm môi trường là trường hợp Kênh Ba Bò thuộc địa phận Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM. Con kênh này chảy qua các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp và đã bị ô nhiễm nặng từ lâu. Kế hoạch cải tạo cũng đã được đề ra từ năm 2011 và tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã chi ra 700 tỉ đồng, Bình Dương chi gần 350 tỉ đồng nhưng vẫn chưa có tiến triển.

“Tôi nghe nói vừa có kiến nghị đến năm 2015 sẽ hạn chế tối đa tất cả các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường và đến năm 2020 sẽ chính thức đóng cửa các làng nghề thủ công trên cả nước, nhưng tôi khá nghi ngờ về quyết tâm này”, ông Vị Giấy Sài Gòn nhận định.

Năm qua, ngành giấy đạt mức tăng trưởng 7%, một con số không quá tệ trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện có không ít doanh nghiệp trong ngành đang bên bờ vực phá sản, đã ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng. Thông tin này được ông Vũ Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPA) cho biết tại sự kiện triển lãm chuyên ngành giấy gần đây.

Cụ thể, Nhà máy giấy Tân Mai, đơn vị đầu đàn của ngành giấy Việt Nam sau nửa thế kỷ tồn tại đã phá sản cách đây 2 năm vì đầu tư dàn trải tới 4-5 nhà máy nhưng không thể kiểm soát chi phí hoạt động. Ông Bảo cho rằng, trong số những doanh nghiệp lao đao, có một số là do yếu kém về quản lý, công nghệ nên bị đào thải, có những doanh nghiệp lại sai lầm khi đầu tư quá lớn, có doanh nghiệp chết do cố tình hạ giá bán, cạnh tranh không lành mạnh.

Trước thực trạng ngày giấy hiện nay, theo ông Vị, kỳ vọng duy nhất của ông là cần có quy hoạch ngành giấy với các chính sách hợp lý ở tầm quốc gia để mọi doanh nghiệp trong ngành có thể định hướng phát triển ổn định trong dài hạn. “Nếu thấy đủ rồi thì không cho đầu tư tiếp, chưa đạt yêu cầu thì phải nâng tầm lên, không làm được phải đào thải”, ông khẳng định.

Thể Loại: Tin Tức